Thursday, March 6, 2014

Phương pháp để Biên-Phiên Dịch hiệu quả

Trong bài viết trước mình đã đề cập tới một câu truyện vui liên quan tới vấn đề thông dịch và đã có nhắc đến sơ qua về 3 yêu cầu cần thiết trong biên – phiên dịch. Bài viết này mình sẽ đề cập rõ hơn về 3 yêu cầu đó trong Biên lẫn Phiên dịch. Những kiến thức này là 1 phần trong môn học Lý Thuyết Dịch bản quyền thuộc về một giảng viên bộ môn Tiếng Anh của trường Đại Học Cần Thơ. Bên cạnh đó mình còn thu thập thêm 1 số kiến thức từ một số sách về Biên Dịch, đặc biệt là cuốn Tự Học Phiên Dịch của giáo sư Lê Tôn Hiến.

Có thể nói rằng, Dịch là giai đoạn cuối hay là “tầng cao nhất” trong tiến trình học ngoại ngữ: Nghe – Nói – Đọc – Viết – Dịch. Bởi vì trong Dịch là phải kết hợp và vận dụng tất cả các kỹ còn lại, và nó cũng như 4 kỹ năng còn lại, người ta muốn dịch tốt thì phải luyện tập nhiều trên học đường hoặc ngoài thực tế. Có người học lý thuyết rất giỏi nhưng dịch thì không được, và ngược lại có người học lý thuyết không được tốt nhưng dịch lại rất hay. Bởi vậy, nó là 1 môn kỹ năng và còn là 1 môn năng khiếu, và phải có kiến thức rộng lớn về văn học và ngoại ngữ của mình có và phải kiên nhẫn rèn luyện cả 1 thời gian dài chứ không thể là 1 sớm 1 chiều, và hơn hết là phải có 1 niềm đam mê. Và theo như lời các bậc giáo sư đã nói thì: Dịch là một cái nghề mà nhân lực “vừa thiếu lại vừa yếu” trong một xã hội mà “người giỏi ngoại ngữ thì không ít nhưng người dịch được chẳng có bao nhiêu”…Và mình cũng xin chia sẻ với mọi người 3 tiêu chí cần phải đạt được trong việc Dịch.

Về lý thuyết dịch, một bản dịch hoàn hảo thì phải thỏa mãn 3 tiêu chí: “Tín – Đạt – Nhã” mà khi học trên giảng đường, thầy tôi đã mong muốn các sinh viên như tôi phải thuộc lòng 3 chữ này như thuộc tên 3 miền địa lý Việt Nam, 5 yếu tố Ngũ Hành trong vũ trụ….(thầy tôi rất hài hước nhưng nhìn kỹ lại yêu cầu đó thì chúng ta phải thuộc lòng như thế). Vậy “Tín – Đạt – Nhã” là gì?

TÍN: trong tiếng Anh là Faithfulness. Tức là chữ Tín này này có nghĩa là phải trung thành, trung thực. Và chữ Tín ở đây tức là ta phải trung thành với nguyên bản dù là dịch viết hay dịch nói. Nói cách khác, Tín tức là trước hết ta phải dịch sao cho đúng từng chữ với nguyên bản và tất nhiên là phải đúng về mặt văn phạm. Tiêu chí này, khi chúng ta đang học tiếng Anh trên học đường vẫn thường xuyên sử dụng tiêu chí này rất nhiều. Chẳng hạn như nói:
“Can you swim?” – dịch ra là: “Bạn có thể bởi không?”
hoặc nói: Trên trời có mây trắng bay. – In the sky, there are white clouds flying.
Hay ta dịch: “Love at first sight” – “Yêu ngay cái nhìn đầu tiên”
Ngoài ra chữ Tín còn nói lên cái sự thành thật của lương tâm trong khi dịch, tức là không được dịch “xạo” (theo tiếng dân miền Nam ưa gọi).

Như vậy, muốn thực hiện được chữ Tín thì người dịch phải nghe cực giỏi (đối với phiên dịch) và phân tích cấu trúc câu cũng như là kiến thức văn phạm cực tốt (đối với biên dịch), sử dụng từ vựng phong phú và từ điển chuyên môn cực chuẩn.

Kế đến, nói về chữ “Đạt”. Tiếng Anh gọi là Expressiveness. Tức là người dịch phải thể hiện được thông điệp mà người nói (viết) muốn chuyển tải, hay thể hiện họ muốn nói gì. Đơn giản hơn tức là thể hiện và chuyển tải được nội dung của nguyên tác và phải đúng với văn hóa của ngôn ngữ đó và phải đúng với văn phong của nước đó. Thí dụ như:
Nguyên tác của cụm từ “Thanh mai trúc mã”, nếu dịch cho được chữ “Tín” là “beautiful and green bamboos”, nhưng nếu dịch vừa đạt được chữ “tín” và “đạt” là “A well-matched couple”.
Thêm nữa: “Inviting lips”, dịch có được chữ Tín là: “Cặp môi mời mọc”. Còn dịch có được cả Tín và Đạt là: “Đôi môi gợi cảm”.
Hoặc lấy lại cụm từ trên: “Love at first sight”. Tín: “Yêu ngay cái nhìn đầu tiên”. Tín – Đạt: “Tiếng sét ái tình”.

Một thí dụ khác rõ hơn, trong 1 cuốn sách, trong đó có 3 dòng chữ thuộc 3 ngôn ngữ khác nhau của 1 thông báo trước văn phòng một bác sỹ Pháp tại Sài Gòn vào thời trước 1975, mà chúng ta có thể tham khảo để thấy được sư khác biệt văn phong của từng quốc gia.
Thông báo đó là:
Ở đây nói tiếng Pháp      (Việt)
Ici on parle Francaise      (Pháp)
French is spoken here   (Anh)
(giải thích tiếng Pháp. Ici: nghĩa là “ở đây”. On: là đại từ nhân xưng, nghĩa là “chúng ta”. Parle: nghĩa là “nói” ) . Xem ra tiếng Việt mình văn phong và cấu trúc có vẻ na ná văn phong tiếng Pháp. Phải rồi, lịch sử chúng ta có cả trăm là thuộc địa của Pháp mà, và hơn nữa, chúng ta thử nhìn lại nguồn gốc của chữ Quốc Ngữ và ngôn ngữ tiếng Việt bây giờ có xuất xứ như thế nào là biết. Vì thế khi dịch, chúng ta nên tranh ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ mà phải dịch theo đúng văn phong của ngôn ngữ mà mình dịch sang.

Nhìn lại thí dụ trên, nếu ta dịch:
“Trên trời có mây trắng bay.” Khi mới dịch thì chúng ta sẽ dịch là: “In the sky, there are white clouds flying.” Nhận xét về câu này, về cấu trúc văn phạm và tự vựng thì hoàn toàn đúng, không có gì sai. Về mặt nghĩa thì hoàn toàn đúng với nguyên tác. Nhưng đó chỉ mới đạt được chữ “Tín” mà thôi. Nếu muốn dịch cho đạt được 2 tiêu chí “ Tín – Đạt” (hay dịch theo đúng văn phong tiếng Anh) thì là: “White clouds are seen flying in the sky.”
Tương tự ở thí dụ khác:
“Trong bụi cây kia có tiếng người thì thầm.” – “Tín – Đạt”: Human whispers are heard from those bushes.
“Trong vườn này có hương gì lạ” – “Some strange fragrance is smelt in this garden.”

Như vậy, khái niệm chữ “Đạt” trong biên phiên dịch là làm sao thể hiện được ý của tác giả theo ngôn ngữ dễ hiểu với người nghe và người đọc. Cái này thực sự là khá khó bởi nó đòi hỏi dịch giả phải cực kỳ tập trung là
 1 chuyện và nó còn đòi hỏi kiến thức về văn hóa, về ngôn ngữ chuyên ngành. Người dịch còn phải nắm vững ngôn ngữ tu từ - phép tu từ (rhetoric language - tức là những cách sử dụng để làm cho ngôn ngữ nói (viết) trở nên bóng bẩy), thành ngữ - tục ngữ (proverbs and idioms)…và đặc biệt nhất là bản dịch phải gắn liền với văn cảnh hay ngữ cảnh của sự việc.

Thế đó, khi muốn thực hiện được chữ Đạt thì người dịch phải am hiểu cả 2 ngôn ngữ và nền văn hóa kèm theo. Trí tưởng tượng cũng phải cực kỳ phong phú. Phải nhanh và nhạy, nắm rõ văn cảnh, và quan trọng hơn là tránh sự gò bó vào chữ tín quá mức, làm mất đi sự sáng tạo, hay nói đơn giản là tránh ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ.

http://www.thegioidichthuat.com/

No comments:

Post a Comment