Thursday, January 22, 2015

Hành trang của phiên dịch viên

Hành trang của phiên dịch viên 
 Sau khi phát triển năng lực đầy đủ trong cả hai ngôn ngữ đích và ngôn ngữ nguồn chúng ta mới có thể thực sự bắt tay vào công việc dịch. Có một giai đoạn trung gian giữa phát triển năng lực và dịch thật sự: bắt đầu biết được nhiều nguồn thông tin và học cách sử dụng chúng.

Các nền văn hóa tác động lẫn nhau làm cho nền văn hóa của mỗi dân tộc phát triển rực rỡ. Chúng ta biết rằng các nền văn hóa tác động lẫn nhau làm cho nền văn hóa của mỗi dân tộc phát triển.
Nhiều nền văn hóa làm cho chúng ta thấy được quyền con người, nhưng người ta chỉ có thể nhận ra nhiều nền văn hóa thông qua thảo luận, việc này đưa chúng ta trở lại với công cụ chủ yếu của thảo luận: ngôn ngữ. Vai trò của ngôn ngữ trong thế giới đang phát triển đang được cụ thể hóa thông qua dịch thuật, và vì khoa ngôn ngữ phê bình liên quan đến quá trình tạo ra và giải thích văn bản và bằng cách này quá trình nhận thức được định hướng về mặt xã hội, nó có thể được coi là một phương tiện tiếp cận thay thế đối với khoa dịch thuật.
Khoảng cách địa lý giữa các nước trên thế giới đang ngày một gần nhau hơn vì hệ thống thông tin liên lạc đang phát triển và đang ngày một tinh vi hơn. Trong quá trình trao đổi thông tin nhanh như vậy và vì mục đích thúc đẩy giao lưu văn hoá, có một việc không thể né tránh được là dịch thuật. Ðó là lý do tại sao chúng ta rất cần những dịch giả, phiên dịch có đủ năng lực.

Thế giới đang trải qua những thay đổi phức tạp trong những lĩnh vực khác nhau như công nghệ và giáo dục. Những thay đổi này tất nhiên liên quan đến các hệ thống giáo dục cao học, bao gồm cả các chương trình đào tạo dịch giả.
Theo Shahvali (1997), chỉ riêng vốn hiểu biết lý thuyết và kỹ năng thực hành không thôi thì không đủ để chuẩn bị cho sinh viên đối mặt với sự phát triền trong lĩnh vực này. Chúng ta cần đến khả năng thích ứng; vì vậy, cần thiết phải tập trung vào việc tự cập nhật của sinh viên và phát huy đầy đủ các kỹ năng về trí tuệ, giao tiếp và dự trù kế hoạch của họ.
Ðào tạo dịch giả là một nhiệm vụ quan trọng cần được ưu tiên đặc biệt. Công việc mà dịch giả đảm nhiệm để đề cao văn hoá và vun trồng ngôn ngữ là rất có ý nghĩa thông qua lịch sử. Dịch giả là người chuyển đổi thông điệp từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, đồng thời bảo tồn những giá trị, những quan niệm căn bản về văn hóa và diễn ngôn (Azabdaftary, 1996).
Nhiệm vụ của dịch giả là tạo ra những điều kiện trong đó tác giả của ngôn ngữ nguồn và độc giả của ngôn ngữ đích có thể giao tiếp với nhau (Lotfipour, 1997). Dịch giả sử dụng ý nghĩa cốt lõi có trong văn bản gốc để tạo ra một tổng thể mới, hay nói cách khác đó là văn bản đích (Farahzad, 1998).
Sau khi biết đến vấn đề này, câu hỏi được đặt ra là: người ta cần đến kỹ năng gì để tăng cường khả năng dịch thuật? Và làm thế nào để trở thành một một dịch giả có năng lực?
Bước thứ nhất là đọc bao quát nhiều bản dịch của nhiều loại văn bản nhau vì dịch thuật cần đến kiến thức chủ động trong khi đó phân tích và đánh giá bản dịch lại cần đến kiến thức bị động. Vì vậy cần phải phát triển khả năng tiếp thu trước đã, sau đó mới bắt đầu công việc dịch thuật; nghĩa là bằng cách tăng cường kiến thức bị động, dần dần sinh viên sẽ mở rộng được kiến thức chủ động của mình. Khả năng tiếp thu mở rộng khả năng trực giác về ngôn ngữ của sinh viên, giúp họ chuẩn bị sẵn sàng trước khi thật sự bắt tay vào dịch thuật. Một dịch giả có năng lực phải có kiến thức toàn diện về ngôn ngữ nguồn cũng như ngôn ngữ đích.

Sinh viên nên đọc những thể loại viết bằng ngôn ngữ đích và ngôn ngữ nguồn bao gồm văn học hiện đại, văn xuôi đương đại, báo chí, tạp chí, quảng cáo, thông cáo, hướng dẫn, vân vân. Nắm vững những thể loại này rất quan trọng vì chúng ngầm chuyển tải những nét đặc trưng về văn hóa của một ngôn ngữ. Sinh viên cũng nên đọc các bài báo hoặc tạp chí mới nhất chuyên về lý thuyết và thực hành dịch thuật. Các bài báo này không chỉ tăng cường kỹ năng đọc sách của sinh viên nói chung mà còn mang lại cho họ những hiểu biết được in sâu trong tiềm thức và sau này sẽ được áp dụng khi thực sự bắt tay vào dịch thuật.
Kỹ năng ‘viết’, nghĩa là khả năng viết lưu loát và chính xác bằng cả ngôn ngữ đích và ngôn ngữ nguồn, cũng rất quan trọng. Trên thực tế, viết là công việc chính của một dịch giả. Sinh viên nên nắm vững nhiều phong cách viết, các kỹ thuật và nguyên tắc của việc biên tập và cách chấm câu trong cả ngôn ngữ đích và ngôn ngữ nguồn. Biên tập và cách chấm câu có thể làm tăng chất lượng và sức hấp dẫn của bản dịch (Razmjou, 2002).
Ngoài ra sinh viên phải nghe được thành thạo cả ngôn ngữ đích và ngôn ngữ nguồn; nghĩa là họ phải nhạy bén trong việc tích lũy các cụm từ, thành ngữ, từ vựng chuyên biệt và cách sử dụng chúng. Những tích lũy đó sau này sẽ phải dùng đến. Trên thực tế đây là điều mà chúng ta gọi là sự mở rộng khả năng trực giác của sinh viên. Trực giác không thể phát triển mà không có môi trường ngôn ngữ cần thiết; đúng ra là nó cần thực tiễn và một bối cảnh đồng nhất. Nó cần sự trợ giúp của cả lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn. Cảm quan ngôn ngữ là hết sức cần thiết đối với một dịch giả có tài.

Một trong những điểm được coi là quan trọng nhất trong dịch thuật là khả năng hiểu được giá trị của văn bản nguồn trong phạm vi nội dung diễn ngôn của văn bản gốc. Để phát triển khả năng này dịch giả phải biết được những sự khác nhau về văn hóa và nhiều chiến lược diễn ngôn trong văn bản nguồn. Vì vậy, cấu trúc ngầm của văn bản gốc phải được dịch giả phát hiện thông qua nhiều chiến lược diễn ngôn.
Một dịch giả có năng lực phải am hiểu bối cảnh văn hoá, tập quán và xã hội của người nói ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ nguồn. Dịch giả cũng phải am hiểu phong cách nói và diễn tả khác nhau, các tầng lớp xã hội của cả hai ngôn ngữ. Nhận thức về văn hóa và xã hội có thể làm tăng giá trị bản dịch của sinh viên lên rất nhiều. Theo Hatin và Mason (1990), khung cảnh xã hội trong khi dịch một văn bản thường thay đổi luôn và có lẽ điều này còn quan trọng hơn cả thể loại của nó. Quá trình dịch diễn ra trong khung cảnh văn hoá – xã hội. Vì vậy, điều quan trọng là phải đánh giá hoạt động dịch thuật trong một khung cảnh xã hội.

Sau khi phát triển năng lực đầy đủ trong cả hai ngôn ngữ đích và ngôn ngữ nguồn chúng ta mới có thể thực sự bắt tay vào công việc dịch. Có một giai đoạn trung gian giữa phát triển năng lực và dịch thật sự: bắt đầu biết được nhiều nguồn thông tin và học cách sử dụng chúng. Những nguồn này bao gồm từ điển đơn ngữ và song ngữ, bách khoa thư, và cả internet nữa. Sử dụng từ điển là một kỹ năng tự thân. Không phải tất cả sinh viê n đều biết cách sử dụng từ điển có hiệu quả. Mỗi từ đều có nghĩa riêng, dùng riêng cho từng ngữ cảnh. Về mặt này, từ điển đơn ngữ giải nghĩa có giá trị nhất. Khi dùng loại từ điển này sinh viên cần luyện tập nhiều để tìm được nghĩa thích hợp cho một ngữ cảnh riêng biệt.
Sinh viên cũng cần nắm vững cú pháp của câu gián tiếp và nhiều hình thái tu từ của ngôn ngữ nguồn như lối nói cường điệu, châm biếm, giảm nhẹ và ám chỉ. Nắm được những hình thái tu từ này sẽ tăng cường khả năng sáng tạo của sinh viên và biến kiến thức bị động của họ thành kỹ năng chủ động.
Khi chúng ta nhấn mạnh sự phát triển năng lực đối với ngôn ngữ đích và ngôn ngữ nguồn, có một phương pháp mà sinh viên không nên bỏ qua. Làm việc theo nhóm và cộng tác với người có cùng trình độ thường mang lại kết quả tốt hơn. Sinh viên nào luyện dịch với người có cùng trình độ sẽ có thể giải quyết vấn đề dễ dàng hơn, lòng tự tin và khả năng ra quyết định của họ cũng phát triển nhanh hơn (Razmjou, 2002). Mặc dù làm việc theo nhóm có thể có những sai sót, nhưng nhờ có trải qua sai sót, tìm ra và sửa chữa sai sót mà trí tuệ của sinh viên được khai mở và trở nên nhạy bén.

Một điểm quan trọng khác nữa là những dịch giả thành công thường chọn một loại văn bản riêng biệt để dịch và chỉ tiếp tục dịch trong lĩnh vực đó. Ví dụ, một dịch giả có lẽ chỉ có thể dịch hoặc là tác phẩm văn học, hoặc là tác phẩm khoa học, hoặc là văn bản báo chí. Ngay cả khi dịch tác phẩm văn học một số dịch giả có lẽ chỉ chọn dịch thơ, truyện ngắn hoặc tiểu thuyết. Thậm chí còn xác định rõ ràng hơn nữa, một số dịch giả chọn một tác giả riêng biệt và chỉ dịch tác phẩm của người đó mà thôi. Lý do là càng dịch các tác phẩm của một tác giả riêng biệt bao nhiêu, họ càng gần gũi với trí tuệ, cách tư duy và phong cách viết của tác giả ấy bấy nhiêu. Và dịch giả càng gần gũi với phong cách của một tác giả bao nhiêu, bản dịch sẽ càng có giá trị hơn bấy nhiêu.
Dịch thuật cần được luyện tập trong môi trường đại học trong đó sinh viên vừa tiếp tục công việc thực hành dưới sự giám sát của giáo viên vừa tiếp tục nghiên cứu các khía cạnh lý thuyết để nâng cao kiến thức của mình. Trong môi trường đại học, có nhiều nguồn tài liệu về dịch thuật cho sinh viên và vì vậy họ sẽ làm quen với các dịch giả có nhiều kinh nghiệm và các tác phẩm của họ bằng cách đọc và sau đó so sánh bản dịch với văn bản gốc. Theo cách này, sinh viên sẽ phát triển năng lực quan sát, khả năng hiểu thấu đáo sự việc và khả năng quyết đoán của mình. Những khả năng này sau đó sẽ thúc đẩy động cơ học tập và tăng cường kỹ năng dịch của họ.

Vì vậy, ngày nay người ta đã công nhận khoa dịch thuật là một ngành học quan trọng và trở thành một chuyên đề độc lập trong các trường đại học, tách khỏi khoa ngoại ngữ. Việc này nói lên một sự thật đã được công nhận là không phải cứ biết một ngoại ngữ là có thể trở thành dịch giả, như người ta vẫn thường lầm tưởng . Dịch thuật là chiếc chìa khoá mở ra sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước. Ngày nay thế giới mênh mông của chúng ta đầy ắp thông tin vì vậy chúng ta rất cần những dịch giả có đủ tài năng. Họ là những người vừa có kiến thức lý thuyết vừa có kỹ năng thực hành để hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Tầm quan trọng của kiến thức lý thuyết là ở chỗ nó giúp dịch giả hiểu được việc lựa chọn ngôn ngữ trong văn bản phản ảnh những mối quan hệ khác giữa người gửi và người nhận như thế nào, giống như những quan hệ năng lượng, và những văn bản đôi khi được dùng để duy trì hoặc tạo ra những bất bình đẳng xã hội như thế nào (Fairclough, 1989).
Cuối cùng, cần phải biết rằng để trở thành một dịch giả có tài không phải chỉ có từ điển là đủ mà còn cần nhiều thứ khác nữa và không phải chỉ trong một sớm một chiều là có thể trở thành dịch giả được. Để trở thành một dịch giả có tài cần đầu tư đáng kể cả về ngôn ngữ đích và ngôn ngữ nguồn. Đó là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất để chuyển đổi một cách trung thực và an toàn giữa hai cách diễn ngôn của hai dân tộc. Chỉ có giải quyết vấn đề dạy dịch thuật một cách hệ thống và khoa học mới có thể tạo ra được những dịch giả tài năng. Và khi những sinh viên dịch thuật chia tay với mái trường đại học thì cũng là lúc quãng đường gian nan nhất của một hành trình bắt đầu.                                 sưu tầm.